CÔNG BỐ KHOA HỌC

THÔNG TIN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI NCKH CẤP TRƯỜNG (Mã số: CS22-60)

10/05/2023

     BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC THƯƠNG MẠI

-------------------------------------------

 

THÔNG TIN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

ĐỀ TÀI NCKH CẤP TRƯỜNG

 

Thông tin chung

- Tên đề tài: Nghiên cứu đối chiếu câu bị động trong tiếng Anh và tiếng Việt

- Mã số: CS22-60

- Chủ nhiệm: TS. Nguyễn Thị Phương Lý

- Thành viên tham gia: ThS. Vũ Thị Thu Trang và ThS. Nguyễn Thị Trà My

- Cơ quan chủ trì: Trường Đại học Thương mại

- Thời gian thực hiện: Từ 01/08/2022 đến 30/03/2023

2. Mục tiêu

            Đề tài mong muốn chỉ ra các điểm giống và khác nhau của câu bị động trong hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt dựa trên đặc điểm về cú pháp, ngữ nghĩa nhằm giúp người học hiểu bản chất và sử dụng loại câu này trong tiếng Anh một cách hiệu quả hơn, giúp người học xử lí được các mối quan hệ giữa hình thức và ngữ nghĩa khi chuyển dịch một câu bị động trong tiếng Anh sang tiếng Việt sao cho chính xác

3. Tính mới và sáng tạo

            Đề tài nghiên cứu là công trình nghiên cứu vận dụng lý thuyết ngữ pháp chức năng hệ thống theo quan điểm của M.A.K. Halliday để nghiên cứu đặc điểm cấu trúc- ngữ nghĩa của cậu bị động tiếng Anh, đối chiếu với tiếng Việt, góp phần làm rõ đặc điểm cấu trúc – ngữ nghĩa của câu bị động tiếng Anh, chỉ ra những nét tương đồng và dị biệt giữa hai ngôn ngữ trọng biểu đạt ý nghĩa bị động. Kết quả nghiên cứu của đề tài, ở một mức độ nhất định, có những đóng góp vào việc biên soạn tài liệu giảng dạy ngôn ngữ nói chung cũng như môn dịch thuật nói riêng và có giá trị tham khảo đối với công tác biên dịch, phiên dịch và nghiên cứu so sánh đối chiếu dịch thuật giữa các ngôn ngữ.

4. Kết quả nghiên cứu

          Trên cơ sở đi sâu nghiên cứu về đặc điểm cấu trúc – ngữ nghĩa dựa trên khung lý thuyết ngữ pháp chức năng, đề tài đã phân tích cũng như khảo sát được đặc điểm câu bị động tiếng Anh, cụ thể là các thành tố cú pháp nòng cốt của câu bị động trên hai phương diện cấu trúc và ngữ nghĩa, mô tả một cách có hệ thống câu bị động tiếng Anh, khảo sát, phân tích trên phương diện cú pháp và ngữ nghĩa, chức năng của câu bị động dưới góc độ ngữ pháp chức năng, nghiên cứu cũng đã chỉ ra được điểm tương đồng và khác biệt trên phương diện cấu trúc, ngữ nghĩa của câu bị động tiếng Anh và tiếng Việt.

Trong câu bị động tiếng Anh, chủ ngữ thường có hình thức là danh từ hay danh ngữ, bổ ngữ có hình thức là một giới ngữ, còn vị ngữ luôn là một ngữ động từ, bao gồm hai thành phần là trợ động từ và phân từ quá khứ. Về mặt ngữ nghĩa, câu bị động tiếng Anh được hình thành từ sự chuyển dịch của các tham tố cú pháp trong câu bị động. Về hình thức, câu bị động trong cả hai ngôn ngữ đều được phái sinh từ các câu chủ động tương ứng, với sự thay đổi của các tham tố nòng cốt cú pháp. Về ngữ nghĩa, chủ ngữ của câu bị động trong hai ngôn ngữ đều có thể mang các vai nghĩa đối thể và nhận thể, bổ ngữ có thể mang các vai nghĩa tác thể, lực tự nhiên và vai công cụ. Vị ngữ của câu bị động biểu thị hành động, quá trình chuyển tác trong hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt.

Câu bị động tiếng Anh có cấu trúc bao gồm một trợ động từ (to be) + phân từ quá khứ của động từ ngoại động, còn trong tiếng Việt thì động từ không hề thay đổi ngoài việc thêm các từ "bị/ được" trước động từ ngoại động, đôi khi các từ này cũng bị tỉnh lược trong cấu trúc câu trung gian. Một điểm khác biệt nữa về mặt hình thức của loại câu này ở hai ngôn ngữ là vị trí của bổ ngữ chỉ tác thể. Vị trí thường gặp nhất của bổ ngữ chỉ tác thể trong tiếng Anh là sau vị ngữ, còn bổ ngữ trong câu bị động tiếng Việt có thể xuất hiện trước động từ và sau động từ. Nét khác biệt đáng quan tâm nhất là ngữ nghĩa, câu bị động tiếng Việt thường thể hiện sự đánh giá của người nói viết về ảnh hưởng của hành động lên đối tượng thông qua việc sử dụng các từ “bị/được”.  Các từ này không chỉ có vai trò đánh dấu câu bị động mà còn biểu thị ý nghĩa tình thái “tích cực  hoặc “tiêu cực”.

 

 

5. Công bố sản phẩm khoa học từ kết quả nghiên cứu của đề tài

     Bài báo “Câu bị động trong tiếng Anh và tiếng Việt” do chủ nhiệm đề tài Nguyễn Thị Phương Lý và thành viên Vũ Thị Thu Trang viết và được đăng trên Tạp chí Thiết bị Giáo dục Số 276 ( tháng 11 -2022)

6. Hiệu quả, phương thức chuyển giao kết quả nghiên cứu và khả năng áp dụng

6.1. Hiệu quả của kết quả nghiên cứu

Đề tài chỉ ra các điểm giống và khác của câu bị động trong trong hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt dựa trên đặc điểm về cấu trúc và ngữ nghĩa nhằm giúp người học hiểu bản chất và sử dụng loại câu này trong tiếng Anh một cách hiệu quả hơn. Từ đó rút ra một số kết luận về điều kiện sử dụng dạng bị động một cách linh hoạt về cấu trúc ngữ pháp và logic ngữ nghĩa, đồng thời đề tài cũng tìm hiểu cách thức chuyển dịch câu bị động từ tiếng Anh sang tiếng Việt trong một số tác phẩm văn học nổi tiếng được dịch sang tiếng Việt bởi các nhà xuất bản có uy tín, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế giảng dạy một số học phần thuộc chương trình đào tạo chuyên ngành tiếng Anh thương mại  Từ đó đề xuất một số giải pháp giúp cải thiện quá trình dạy và học tiếng Anh tại Đại học Thương mại

6.2. Phương thức chuyển giao

Kết quả nghiên cứu làm tài liệu tham khảo cho sinh viên, giảng viên khoa Tiếng Anh trường Đại học Thương Mại nói riêng và những người dạy, học Tiếng Anh và Tiếng Việt cũng như những người làm công tác biên, phiên dịch nói chung và các nhà quản lý chuyên môn.