CÔNG BỐ KHOA HỌC

THÔNG TIN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI NCKH CẤP TRƯỜNG (Mã số: CS22-57)

10/05/2023

 

    BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THƯƠNG MẠI

 

 

THÔNG TIN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

ĐỀ TÀI NCKH CẤP TRƯỜNG

1. Thông tin chung:

- Tên đề tài: ĐỐI CHIẾU CẤU TRÚC MẠCH LẠC TRONG BÀI BÁO KHOA HỌC TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT NGÀNH KINH TẾ

- Mã số: CS22-57

- Chủ nhiệm: ThS. Phạm Thị Tố Loan

- Cơ quan chủ trì: Đại học Thương Mại

- Thời gian thực hiện: 30/08 năm 2022 đến tháng 30/03 năm 2023

2. Mục tiêu:

Nghiên cứu có mục tiêu khảo sát, so sánh, đối chiếu nhằm làm sáng tỏ sự tương đồng và khác biệt về cấu trúc mạch lạc trong các bài báo tiếng Anh và tiếng Việt trên tạp chí ngành kinh tế. Trên cơ sở đó, nghiên cứu sẽ đưa ra các gợi ý về giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ cho các sinh viên đại học, học viên cao học, nghiên cứu sinh, các giảng viên trẻ mới bước vào sự nghiệp nghiên cứu, các giảng viên giảng dạy môn Nghiên cứu khoa học, và những nhà nghiên cứu hướng đến xuất bản quốc tế.

3. Tính mới và sáng tạo:

- Kết quả nghiên cứu làm tiền đề cho các khóa đào tạo viết bài báo khoa học theo hướng tiếp cận chuẩn mực quốc tế nhằm đẩy mạnh công bố quốc tế cho các cán bộ giảng viên trường Đại học Thương Mại.

- Đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn về vấn đề nghiên cứu: nâng cao nhận thức cho giảng viên trẻ và sinh viên về sự khác biệt trong cấu trúc mạch lạc bài báo khoa học trên các tạp chí tiếng Việt và tạp chí quốc tế, từ đó gia tăng số lượng xuất bản quốc tế nhằm nâng cao uy tín của Nhà trường trong hệ thống giáo dục trong nước và quốc tế, đồng thời góp phần củng cố vị thế của giáo dục Việt Nam trong cộng đồng giáo dục – đào tạo và nghiên cứu khoa học.

4. Kết quả nghiên cứu:

Từ việc đối chiếu cấu trúc mạch lạc của bài báo khoa học tiếng Anh và tiếng Việt, nghiên cứu cho thấy khối liệu tiếng Anh và tiếng Việt đều sử dụng tương đối nhiều các hành động và các bước trong khung phân tích cấu trúc mạch lạc của bài báo khoa học nhằm thực hiện các mục đích và chức năng của văn bản. Tuy nhiên, khối liệu tiếng Việt chưa thực sự tuân thủ cấu trúc toàn văn bài báo một cách chặt chẽ như khối liệu tiếng Anh. Cụ thể, trong phần tóm tắt, cấu trúc điển dạng của khối liệu tiếng Anh tương đồng với cấu trúc mạch lạc, trong đó các tác giả quốc tế sử dụng nhiều hành động hơn các tác giả Việt Nam. Về phần dẫn nhập, các tác giả Việt Nam có xu hướng nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu một cách võ đoán thay vì lược khảo, đánh giá các nghiên cứu trước đây nhằm chỉ ra khoảng trống tri thức cần khai thác. Về phần tổng quan, cấu trúc mạch lạc bài báo tiếng Anh có sự đa dạng trong lập luận và thể hiện quan điểm của tác giả hơn khối liệu tiếng Việt.  Sự khác biệt trong phần Phương pháp là bước biện luận quy trình thu thập dữ liệu và biện luận quy trình phân tích dữ liệu trong khối liệu tiếng Việt chưa được quan tâm đúng mức. Phần Kết quả và Thảo luận có sự khác biệt rõ nét ở việc khối liệu tiếng Việt ít liên hệ, so sánh với kết quả của các nghiên cứu trước. Cuối cùng, ở phần Kết luận, các tác giả Việt chưa chú trọng việc đề cập hạn chế của nghiên cứu, đánh giá phương pháp nghiên cứu và đưa ra những gợi ý về các nghiên cứu trong tương lai. Những lý giải dưới góc độ văn hóa, giáo dục, xã hội đã được chúng tôi trình bày nhằm đưa ra cái nhìn thấu suốt về những sự khác biệt trong cấu trúc mạch lạc của bài báo khoa học tiếng Anh và tiếng Việt.

5. Công bố sản phẩm khoa học từ kết quả nghiên cứu của đề tài:

Phạm Thị Tố Loan, Nguyễn Thị Phương Thùy. (2022). Đối chiếu cấu trúc mạch lạc của phần dẫn nhập trong bài báo khoa học tiếng Anh và tiếng Việt ngành kinh tế. Tạp chí Nghiên cứu nước ngoài, 38(4), 63-75.

6. Hiệu quả, phương thức chuyển giao kết quả nghiên cứu và khả năng áp dụng:

Đề tài có khả năng chuyển giao cho các bộ phận chức năng của trường Đại học Thương mại và có tính ứng dụng trong việc nâng cao nhận thức của các nhà nghiên cứu mới vào nghề nhằm tuân thủ cấu trúc bài báo chuẩn mực theo thông lệ quốc tế; từ đó giúp gia tăng năng suất công bố quốc tế cho cán bộ giảng viên Nhà trường.