Khoa Học Công Nghệ
THÔNG TIN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI NCKH CẤP TRƯỜNG (Mã số: C22 – 55)
THÔNG TIN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI
- Tên đề tài: Đối chiếu cấu trúc cụm danh từ (Noun phrase) trong tiếng Anh và tiếng Việt trên ngữ liệu các bài báo tạp chí kinh tế
- Chủ nhiệm: TS. Nguyễn Thị Thủy Chung
- Cơ quan chủ trì: Trường Đại học Thương mại
- Thời gian thực hiện: Từ 01/08/2022 đến 30/03/2023
Nghiên cứu sẽ hướng đến các mục tiêu cụ thể sau đây:
(1) Tìm hiểu đặc điểm cấu trúc cụm danh từ (Noun Phrase) trên bài báo, tạp chí kinh tế tiếng Anh và tiếng Việt trên bình diện ngữ pháp và ngữ nghĩa;
(2) Xác định những điểm tương đồng và dị biệt trong cấu trúc cụm danh từ trên bài báo, tạp chí kinh tế tiếng Anh và tiếng Việt;
(3) Chỉ ra các lỗi liên quan đến cụm danh từ của sinh viên khi dịch các bài báo, tạp chí kinh tế tiếng Anh và tiếng Việt;
(4) Đề xuất các giải pháp giúp sinh viên tránh mắc lỗi khi dịch cụm danh từ trên các bài báo, tạp chí kinh tế tiếng Anh và tiếng Việt.
3. Tính mới và sáng tạo
Đây là nghiên cứu được thực hiện theo hướng kết hợp lý luận và thực tiễn áp dụng để kiểm chứng lại kết quả nghiên cứu lý thuyết. Kết quả nghiên cứu có thể góp phần vào việc nghiên cứu một số vấn đề lý thuyết về danh từ, các ngữ động từ, ngữ tính từ và ngữ trạng từ của các loại hình ngôn ngữ khác nhau. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng có những đóng góp vào thực tiễn giảng dạy tiếng Anh, cụ thể là trong các học phần viết tiếng Anh nói chung và viết học thuật tiếng Anh nói riêng cũng như các học phần biên – phiên dịch Anh – Việt và Việt – Anh.
4. Kết quả nghiên cứu
Trên cơ sở tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lý luận liên quan đến vấn đề nghiên cứu, nhóm tác giả đã thu thập ngữ liệu và phân tích cấu trúc ngữ danh từ trong tiếng Anh và tiếng Việt dựa trên mô hình cấu trúc đã được lựa chọn nhằm tìm ra điểm tương đồng và khác biệt giữa hai ngôn ngữ. Đồng thời, trên cơ sở kết quả nghiên cứu về cấu trúc ngữ danh từ trong hai ngôn ngữ, đề tài tiếp tục tìm hiểu các lỗi dịch cụm danh từ của sinh viên năm thứ ba khoa tiếng Anh trường Đại học Thương mại trong dịch bài tạp chí kinh tế bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Kết quả nghiên cứu được thể hiện ở các khía cạnh sau:
Thứ nhất, trong cả tiếng Anh và tiếng Việt, cấu trúc cụm danh từ (ngữ danh từ) đều gồm có 3 phần: phần phụ trước, danh từ trung tâm và phần phụ sau. Danh từ trung tâm là yếu tố chính và quan trọng trong cụm danh từ. Phần phụ trước và phần phụ sau đều có các yếu tố bổ nghĩa cho danh từ trung tâm khá đa dạng. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tương đồng đó cũng có điểm khác biệt ở phần phụ trước và phần phụ sau. Trong tiếng Anh, ngoài phần determiners (từ hạn định) với chức năng tương tự như phần phụ trước trong tiếng Việt thì phần modifiers (phần bổ nghĩa) lại được chia thành premodifier (bổ nghĩa trước) và postmodifier (bổ nghĩa sau). Phần bổ nghĩa trước cho danh từ chính tiếng Anh sẽ nằm ngay sau vị trí của determiner (từ hạn định) là các từ như tính từ, danh từ và phân từ nhưng trong tiếng Việt không có yếu tố tương tự mà chỉ có phần phụ trước do các số từ đảm nhiệm.
Thứ hai, các yếu tố cấu thành nên ngữ danh từ trong tiếng Anh và tiếng Việt có nhiều điểm khá tương đồng. Về danh từ chính, trong cả hai ngôn ngữ đều có danh từ riêng, danh từ đếm được và danh từ không đếm được đảm nhận và cả hai ngôn ngữ đều không thấy xuất hiện số chữ số giữ vai trò là danh từ chính trong ngữ danh từ. Về phần phụ trước của danh từ chính ở hai ngôn ngữ chủ yếu là các số từ đứng đầu ngữ danh từ. Đối với phần phụ của danh từ chính trong ngữ danh từ ở cả tiếng Anh và tiếng Việt có kết cấu khá phong phú bao gồm nhiều yếu tố khác nhau bao gồm cả mệnh đề xác định và mệnh đề quan hệ hay các cú định tố. Mặc dù có những yếu tố tương đồng nhau trong cấu tạo của cụm danh từ nhưng bên cạnh đó có những điểm khác biệt nổi trội trong hai ngôn ngữ Anh và Việt. Ngữ danh từ trong tiếng Anh có từ hạn định là mạo từ xác định và không xác định trong phần phụ trước nhưng trong tiếng Việt không có yếu tố này. Ngoài ra, đại từ chỉ định (định tố chỉ định), đại từ sở hữu (định tố sở hữu) và số thứ tự (định tố thứ tự) trong tiếng Anh thuộc phần phụ trước của danh từ chính còn trong tiếng Việt các yếu tố này lại nằm ở phần phụ sau danh từ chính: these strategies và những chiến lược này.
Một điểm khác biệt lớn về yếu tố cấu tạo cụm danh từ trong hai ngôn ngữ đó là trong tiếng Anh có phần bổ nghĩa trước (phần phụ trước) là các tính từ, danh từ và phân từ nhưng trong tiếng Việt các yếu tố này bị đẩy lùi toàn bộ về phía sau danh từ chính và thuộc phần phụ sau: Inflation rate và tỷ lệ lạm phát; real income of the lending và thu nhập thực tế của việc cho vay.
Thứ ba, đối với phân loại cụm danh từ, cả hai ngôn ngữ có sự trùng lặp ở 4 loại cụm danh từ bao gồm ngữ danh từ chỉ là danh từ chính, ngữ danh từ có kết cấu chỉ gồm phần phụ trước + danh từ chính, danh từ chính + phần phụ sau và phần phụ trước + danh từ chính + phần phụ sau. Tuy nhiên, đối với phân loại cụm danh từ trong hai ngôn ngữ thì cũng có thể thấy rõ sự khác biệt từ hai bảng phân loại. Trong tiếng Anh có đến 8 cấu trúc cụm danh từ trong khi đó tiếng việt chỉ có 4 loại bởi vì như được đề cập ở phần cấu trúc, trong tiếng Việt không có yếu tố gọi là từ hạn định nên sự phân chia các loại cụm danh từ không thể đa dạng như trong tiếng Anh.
Thứ tư, đối với kết quả khảo sát lỗi phổ biến trong dịch cụm danh từ trên các bài tạp chí kinh tế thương mai bằng tiếng Anh và tiếng Việt dưới gốc độ cú pháp và ngữ nghĩa, có thể thấy trong quá trình biên dịch Việt – Anh và Anh – Việt sinh viên năm thứ ba, Khoa Tiếng Anh bị ảnh hưởng của tư duy ngôn ngữ tiếng Việt, khiến chất lượng biên dịch của sinh viên chưa đạt yêu cầu học tập cũng như công việc tương lai. Sinh viên còn mắc nhiều lỗi và sử dụng hình thức diễn đạt chưa phù hợp do chịu ảnh hưởng của tiếng Việt trong quá trình chuyển ngữ sang tiếng Anh và ngược lại. Sinh viên mắc các lỗi liên quan đến cả cú pháp và ngữ nghĩa, trong đó các lỗi phổ biến về cú pháp bao gồm: lỗi sai dùng định ngữ đi với danh từ chính, lỗi dùng sai tính từ bổ nghĩa cho danh từ chính, lỗi dùng sai mạo từ, trật tự từ, lỗi dùng sai giới từ đi với ngữ danh từ, lỗi sai khi dùng kết hợp các ngữ danh từ với nhau và nhiều lỗi khác. Về lỗi nghữ nghĩa là nhưng lỗi sinh viên mắc phải khi họ không hiểu nghĩa bản chất của từ nên dùng sai và do ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ và văn hóa.