Khoa Học Công Nghệ
THÔNG TIN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI NCKH CẤP TRƯỜNG
Trong qua trình dạy và học ngoại ngữ nói chung và học tiếng Anh nói riêng, phát âm chuẩn luôn đóng vai trò quan trọng. Nó có ảnh hưởng trực tiếp đến việc học các kỹ năng cơ bản để nắm bắt một ngoại ngữ đặc biệt là kỹ năng nghe nói. Tuy nhiên, đa số người học ngoại ngữ chưa thực sự chú trọng đến việc phát âm chính xác và nâng cao khả năng phát âm. Xuất phát từ thực tế đó kết hợp với những đánh giá về khả năng phát âm của sinh viên trường Đại học Thương mại (ĐHTM) nói chung và sinh viên năm thứ nhất không chuyên của trường nói riêng đúc rút từ kinh nghiệm giảng dạy của bản thân, nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu đề tài “Các nhân tố ảnh hưởng đến kĩ năng phát âm của sinh viên năm thứ nhất trường Đại Học Thương Mại” nhằm tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng đến kĩ năng phát âm của sinh viên năm thứ nhất không chuyên, trường ĐHTM trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng phát âm chính xác của đối tượng sinh viên này, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy các học phần tiếng Anh trong nhà trường.
Thông qua việc tìm hiểu các khái niệm cơ bản liên quan đến phát âm như: Khái niệm phát âm, âm tiết, trọng âm, ngữ điệu, kĩ năng, các đặc điểm của hệ thống âm tiếng Anh…, các tác giả đã tiến hành phân tích hai hệ thống âm tiếng Anh và tiếng Việt làm căn cứ khoa học để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến kĩ năng phát âm của sinh viên năm thứ nhất một cách chuẩn xác hơn. Qua nghiên cứu định tính với kỹ thuật tham khảo ý kiến chuyên gia để khám phá, bổ sung, điều chỉnh các thành phần của thang đo cho phù hợp với bối cảnh nghiên cứu tại trường đại học Thương Mại và nghiên cứu định lượng được sử dụng thông qua công cụ thu thập dữ liệu là bảng câu hỏi được phát trực tiếp đến 250 đối tượng khảo sát là các của sinh viên năm thứ nhất không chuyên tại trường đại học Thương Mại.
Kết quả nghiên cứu cho thấy yếu tố Sự hướng dẫn (HD) có hệ số Beta chuẩn hóa cao nhất (= 0,428) nên có tác động mạnh nhất đến kỹ năng phát âm tiếng Anh của sinh viên năm thứ nhất không chuyên tại trường đại học Thương Mại. Kế tiếp là các yếu tố Khả năng ngữ âm (NA) (= 0,297), Môi trường tiếp xúc (MT) (= 0,198), Động cơ học tập (DC) (= 0,167). Cuối cùng là yếu tố Thái độ (TD) (= 0,153), cũng có tác động đáng kể đến kỹ năng phát âm tiếng Anh của sinh viên năm thứ nhất không chuyên tại trường đại học Thương Mại nhưng ít hơn các yếu tố khác.
Dựa trên các kết quả thu thập được, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm hạn chế việc lỗi phát âm của sinh viên năm thứ nhất, nâng cao khả năng phát âm của họ, đồng thời đề xuất một số hoạt động để giáo viên có thể linh hoạt áp dụng vào quá trình giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy các học phần tiếng Anh trong nhà trường.