Thông tin tuyển sinh

Mùa hè tình nguyện 2015 của Khoa tiếng Anh

12/11/2015
Hoạt động tình nguyện hè 2015 của giáo viên và sinh viên Khoa tiếng Anh tại huyện Vân Hồ, Sơn La
VÂN HỒ - NƠI CHÚNG TÔI TÌM VỀ

22h12’ ngày 27/6/2014

Tôi sẽ kể bạn nghe về một chuyến đi, một cuộc hành trình chỉ vẻn vẹn 2 ngày nhưng có giá trị vô cùng đối với các thành viên đoàn.

Chương trình thiện nguyện hè 2014 do Khoa Tiếng anh – Trường Đại học Thương mại tổ chức tới huyện miền núi Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã được lên kế hoạch từ đầu năm học và công tác triển khai, chuẩn bị được bắt đầu hồi tháng 4.

Trước hết, về quãng thời gian trước cuộc hành trình, đây là thời điểm ‘nóng’ khi tất cả các bạn sinh viên đều tập trung cho các bài kiểm tra, thảo luận và thi cuối kì. Điều mà Ban tổ chức lo lắng nhất là không kêu gọi được nhiều sự giúp đỡ, ủng hộ cho chương trình nhưng rồi cũng sớm được giải tỏa vì mặc cho áp lực học tập, mỗi khi nghe về chuyến đi từ thiện của Khoa là hầu hết các bạn đều hưởng ứng nhiệt tình. Tôi đã nhìn thấy đứa bạn tôi bắt xe về quê ngày cuối tuần ngoài dự định vì muốn lấy chút quần áo gửi lên các em nhỏ vùng cao đỡ cái giá rét ngày đông, lại có đứa nhịn dăm ba buổi ăn sáng mong góp được chút gì đó, rồi cả nhỏ bạn bỏ cả buổi làm thêm để phụ sắp xếp đồ đạc khi khó tìm người….Chút một, chút một công sức, vật chất thôi cũng khiến chúng tôi mỉm cười hạnh phúc. Chúng tôi cuống cuồng lên làm việc cùng nhau suốt mấy tuần rồi xin ý kiến tham mưu từ thầy cô xem tổ chức đêm giao lưu văn nghệ ra sao, như thế nào để thật đặc sắc và hấp dẫn. Những buổi tập nhảy, học hát, nghĩ trò chơi đều được các TNV thực hiện nghiêm túc và đầy sự cố gắng.

Và rồi, ngày ấy cũng tới………

Đêm hôm trước có bạn gần như chẳng thể chợp mắt vì háo hức cho chuyến đi. Đây là lần thứ 2 khoa Tiếng anh tổ chức mùa hè tình nguyện tại Vân Hồ, kế tiếp sự thành công và ý nghĩa tốt đẹp của hè 2013, nhưng là lần đầu tiên đối với các TNV năm nay được trải nghiệm công việc thiện nguyện cùng các thầy cô giáo. Chúng tôi vinh dự khi đoàn có sự tham gia của thầy Nguyễn Đắc Cường – Trưởng phòng CTCT & SV, cô Nguyễn Thanh Huyền – Trưởng khoa Tiếng Anh, thầy Tôn Đức Thảo – Phó trưởng khoa Tiếng Anh, cô Nguyễn Thị Sơn – Bí thư Chi bộ Khoa Tiếng Anh và cô Phạm Thùy Giang – Bí thư Liên chi đoàn Khoa Tiếng Anh.

5h30 sáng ngày 26/6, toàn bộ 19 tình nguyện viên tập trung tại văn phòng khoa để chuẩn bị cho chuyến đi, đồ đạc được đóng thùng gọn gàng, các phần quà được bọc gói cẩn thận. Đúng 6h, xem lăn bánh rời Đại học Thương mại tới Vân Hồ, Sơn La – điểm tình nguyện. Đoàn dừng chân ăn sáng tại Thạch Thất và tiếp tục chuyến đi ngay sau đó. Suốt quãng đường, chúng tôi cùng nhau hát hò, trò chuyện, chơi trò chơi, lắng nghe dặn dò từ thầy cô, hiển hiện rõ nét ở gương mặt mỗi đứa sinh viên trong chúng tôi là niềm vui, hồi hộp đến kì lạ. Chúng tôi mới chỉ biết đến Vân Hồ qua lời kể của các anh chị TNV năm trước và thầy cô rồi thầm mường tượng về Vân Hồ.

Cứ như thế sau hơn 5 giờ đồng hồ trên xe ô tô, đoàn đã tới địa bàn huyện Vân Hồ. Trên đường qua các đoạn đèo, dốc đá chênh vênh, tiếng’ồ, à’ không ngớt khi mọi người trông thấy cảnh vật từ trên cao. Lần đầu tiên chúng tôi được tận mắt ngắm nhìn hình thù ruộng bậc thang, bạt ngàn đồi ngô trải dài như vô tận, phóng tầm mắt ra xa, sắc hồng tươi tắn của vườn đào trĩu quả, thêm cả màu xanh mát của núi rừng. Hai bên đường là những người phụ nữ vai địu đồ trong bộ váy áo thổ cẩm độc đáo, phía sau nữa, mấy đứa nhỏ vừa chăn bò, vừa phụ mẹ hái đào. Mẹ thiên nhiên ưu ái ban cho nơi đây khí hậu mát mẻ, khung cảnh quá đỗi nên thơ, hiền hòa. Và chớm nở tình yêu Vân Hồ từ đây…

Từ đường chính rẽ vào địa bàn huyện Vân Hồ khá bé lại thường xuyên xuất hiện ổ voi, ổ gà vẫn chưa được sửa chữa nhiều. Tới nơi, đoàn được các cán bộ Đoàn của Huyện đón tiếp và hướng dẫn rất tận tình. Chúng tôi tập kết đồ ủng hộ vào phòng hội trường Huyện và thu xếp hành lí cá nhân lên căn nhà sàn của người dân.

Sau thời gian ăn uống và nghỉ trưa, đoàn tiếp tục được cán bộ Huyện đưa tới bản Pa Cốp (bản nghèo nhất của Huyện Vân Hồ) để trao quà cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chúng tôi đi bộ hơn 2km từ điểm dừng xe để vào được bản vì đường đồi núi quá bé và hiểm trở, chỉ cần không chú tâm một chút cũng rất dễ trượt chân. Cái nắng buổi trưa cùng quãng đường dài khiến chúng tôi có cảm giác đuối sức dần, nhưng được thầy cô động viên và hiểu giá trị của việc đang làm mà ai cũng gắng sức không dừng chân. Oi nắng đấy có là chi với sức trẻ đầy nhiệt huyết kia, chúng tôi bước đi mang theo tình yêu thương và trách nhiệm mà các tấm lòng nhân ái đã gửi gắm. Trước mắt chúng tôi vẫn là khung cảnh đồi núi trùng điệp thường gặp, đôi chỗ dốc khúc khỷu, cây cỏ rợp hai bên lối đi là con đường đất quanh co, gồ ghề. Cái nghèo khó nơi đây hiển hiện không chỉ ở vị trí địa lí khó khăn mà ở cả điều kiện sống, dân cư khá thưa thớt, chừng 300m mới xuất hiện một mái nhà, có nhà cách tới 1 km. Đa số nhà làm từ thân gỗ bé, chi chít những lỗ thủng, sàn đất ẩm ướt và tối, vẻ ngoài lụp xụp, đồ đạc bên trong cũng chẳng có gì đáng kể, lợn rừng, gà đồi được thả nuôi ngay trước cửa nhà ở. Những đứa trẻ tầm 2-3 tuổi đã hì hụp ngập mình dưới mương nước đen ngòm chẳng hề có đồ bảo hộ, đầy rẫy sự nguy hiểm. Chúng tò mò khi thấy người lạ nhưng lại e dè bỏ chạy mỗi khi mấy đứa sinh viên chúng tôi tiến lại gần để bắt chuyện.

Cô Huyền đại diện đoàn trao tặng 6 phần quà cho 6 hộ gia đình khó khăn tại bản Pa Cốp, cô gửi lời động viên và chúc các gia đình lao động, phát triển kinh tế tốt, sớm thoát nghèo. Gia chủ vui mừng khi có đoàn tới thăm và cũng gửi lời cám ơn, chúc sức khỏe tới đoàn cũng như những nhà hảo tâm. Hộ gia đình sau cùng mà đoàn tới thăm nằm ở nơi khá khó khăn cho việc đi lại, được biết, gia đình gồm 2 anh em, vợ và con gái của người anh, cha mẹ đều mất sớm. Căn nhà ‘tồi tàn’ nhất mà chúng tôi gặp ở đây, chỉ là mấy tấm ván che chắn tạm thời, mái lá lợp sơ sài, không thể chống nổi những trận mưa, thi thoảng lé lên trong bóng tối ấy là chút ánh nắng lọt qua khe hở, bên trong mùi mốc đặc quánh sộc lên, 2 chiếc giường cũ buông mền bừa bộn bám đầy bồ hóng đen ngòm là đồ đạc có giá trị nhất trong nhà. Hai vợ chồng người anh (đều chưa tới 20 tuổi) đi nương làm rẫy, đứa con nhỏ chừng 2 tuổi ở truồng mặt lấm lem tro than nép vào góc tường e sợ, thi thoảng cháu ngước lên nhìn trộm chúng tôi rồi lại co mình lạ lẫm. Người em trai khoảng 7 tuổi ngồi bên góc giường, em bận cái áo xanh cũ kĩ và chiếc quần ống loe đã sờn rách đôi ba chỗ, đôi mắt em ánh lên nỗi buồn trong sự nghèo khó và thiếu thốn ở cái tuổi đáng lí ra phải được cha mẹ chăm sóc chu đáo. Em không được đi học, chúng tôi nhìn em rưng rưng, chúng tôi muốn hỏi em, muốn được trò chuyện nhưng không thể hiểu được ngôn ngữ dân tộc của em. Tất cả chỉ là những ánh mắt trao em đầy nghẹn ngào. Tôi nhìn thấy sự xúc động không thể giấu ở các thầy cô và các bạn tình nguyện viên khi bước ra khỏi căn nhà.

Kết thúc buổi chiều trao quà cho các hộ gia đình, đoàn lại quay về địa điểm tập kết để chuẩn bị cho chương trình tối nhưng trong lòng vẫn canh cánh về các hoàn cảnh khó khăn ấy.Sau bữa cơm chiều, chúng tôi chia nhóm tập luyện lần nữa các tiết mục văn nghệ, trò chơi. Đúng 8h tối, hội trường sáng đèn chào đón chúng tôi, các TNV tất bật cho vị trí của mình, lần đầu tiên được làm ‘nghệ sĩ’ nghiệp dư giao lưu với người dân địa phương khiến chúng tôi không khỏi lo lắng. 8h30 tối, các bà, các bác, các cô, các bạn thanh niên cùng các em nhỏ đã tới kín hội trường, không khí lúc này sôi động hẳn. Các cán bộ đại diện Huyện Vân Hồ, bản Hang Trùng II…cũng đã có mặt tham dự chương trình. Rồi cứ thế, nối tiếp lời phát biểu chân tình từ đại diện hai bên, tới những tiết mục ca hát, những trò chơi vui nhộn, phần trao quà cho 6 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã Vân Hồ và phần quà quần áo, sách vở, nhu yếu phẩm lần lượt diễn ra nhịp nhàng. Đôi lúc chúng tôi gặp sự cố với loa âm thanh, lược bỏ vài tiết mục do thời gian không cho phép nhưng cũng không thể nào ảnh hưởng tới nhiệt của đêm giao lưu, không ngớt những tràng pháo tay cổ vũ từ người dân, bọn trẻ cũng đã thân thiết hơn với chúng tôi. Và lần đầu tiên tôi được chứng kiến 5 thầy cô giáo trong đoàn cùng nhẩm rồi hát theo bài ‘Đi học’ gần gũi thân thương đến thế.

Đêm buông sâu bao phủ Vân Hồ, chúng tôi thu dọn hội trường và trở về căn nhà sàn sau một ngày khá mệt mỏi. Lại là lần đầu tiên được ngủ tại nhà sàn, và ở cùng những người bạn thiện nguyện tuyệt vời. Thầy cô dặn dò chúng tôi nghỉ ngơi sớm và chuẩn bị cho lịch trình ngày hôm sau, còn lũ sinh viên tai quái chúng tôi thầm nghĩ đêm nay chắc được quậy tung rồi. Râm ran đâu đó những câu chuyện ma đêm khuya, nấn ná mãi để chơi dăm ba trò chơi gắn kết mọi người rồi mới lăn ra ngủ cả loạt. Đêm Vân Hồ, tiếng ngáy hòa với tiếng dế, thích thú đến lạ thường.

Sáng hôm sau, chúng tôi chào tạm biệt người dân, chào cán bộ đã tận tình giúp đỡ đoàn suốt thời gian qua. Xe đi tới một vài địa danh nổi tiếng để tham quan như vườn lan nhiệt đới, vườn dâu tây, đồi thông, còn cả đồi chè nữa. Chúng tôi thích thú được chụp ảnh lưu giữ kỉ niệm về Vân Hồ và còn được phỏng vấn, quảng bá cho du lịch nơi đây. Thực sự mà nói, vẻ đẹp hoang sơ và có phần mộc mạc của Vân Hồ quả thực rất đáng quý, từng đường nét từ con người, cảnh vật, khí hậu, cuộc sống…đã phác họa nên bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp và chúng tôi đã có đặc ân được đặt chân tới. Sau buổi sáng tham quan và ăn trưa, đoàn chính thức nói lời chào tạm biệt Sơn La và trở về Hà Nội.

Vân Hồ trong chúng tôi có quá nhiều thứ ĐẦU TIÊN. Chúng tôi sinh ra hoặc là ở thành thị, thủ đô, hoặc là các vùng nông thôn bình dị nên chưa một lần biết tới cái ‘khó, khổ’ của người miền núi thực sự là như thế nào. Chuyến đi từ thiện đã mang tới cho riêng tôi và cả các bạn TNV những cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống, hiểu hơn các số phận kém may mắn, và khi đã cảm, chúng tôi sẽ biến thành hành động, đó là điều chắc chắn. Chúng tôi còn có cơ hội gần gũi hơn với các thầy cô, được lo cho từng bữa ăn, nơi ở và trông thấy tấm lòng từ thiện của thầy cô, mặc cho mệt, mặc tuổi tác vẫn theo đến cùng các hoạt động thiện nguyện. Cám ơn thầy cô vì tất cả.

Mảnh đất mới, những con người mới nhưng lại khiến chúng tôi lưu luyến mãi khi rời đi. Điều mà chúng tôi thực hiện trong 2 ngày qua thực chẳng thấm vào đâu nhưng cũng đủ làm chúng tôi vui vì đó là điều có ích, mong rằng Vân Hồ của một vài năm nữa sẽ không còn hộ gia đình nghèo, các em sẽ được tới trường học chữ, được yêu thương và chăm sóc từ mọi người….cứ hi vọng, hi vọng và hi vọng vậy đi vì nó tạo động lực để cùng cố gắng

Chẳng biết có quá hão huyền không nhưng chúng tôi tự hứa với lòng sẽ có dịp quay lại nơi đây chí ít là một lần nữa.

Như lời cha tôi vẫn thường nói, con còn trẻ, hãy cứ sống hết mình, con hãy đi tới mọi nẻo đường có thể, chính cuộc sống sẽ dạy con những bài học giá trị nhất mà không có bất kì một cuốn sách nào chứa đựng nổi. Cứ đi đi rồi con sẽ trưởng thành.

Tôi ngồi đây trong đêm tối của căn phòng trọ và viết những dòng nhật ký sau hành trình 2 ngày qua.

Tôi nhớ về Vân Hồ!

Một số hình ảnh về chương trình: